Dù mô tả cuộc sống trẻ bụi đời, tác phẩm của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy không hề bi lụy mà đầy sôi động như một bản nhạc rap.

Loading...

‘Ròm’: Điện ảnh thăng hoa cùng cuộc đời trẻ đường phố

Dù mô tả cuộc sống trẻ bụi đời, tác phẩm của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy không hề bi lụy mà đầy sôi động như một bản nhạc rap.

Ròm của Thanh Huy là một trong những tác phẩm được trông đợi nhất năm nay, sau chiến thắng ở LHP Busan (Hàn Quốc). Bàn tay của đạo diễn trẻ cùng ê-kíp đã nhào nặn nên bộ phim được xem là cột mốc của điện ảnh Việt, đồng thời được rất nhiều khán giả tán thưởng. Ở buổi chiếu ra mắt, nhiều nghệ sĩ như Mỹ Tâm, Trấn Thành đã đứng bật dậy, vỗ tay khen ngợi những thước phim vừa chân thực vừa sôi động của Ròm.

Bản chiếu rạp của Ròm không quá khác bản phim tranh giải ở Hàn Quốc. Phim lấy bối cảnh một khu chung cư với những người lao động nghèo mong đổi đời nhờ đánh đề. Đối với họ, mỗi buổi chiều là thời điểm đầy hồi hộp lẫn phấn khích khi chờ đợi con số từ tay những chú bé cò đề.

Ròm (Trần Anh Khoa) là một trong những trẻ bụi đời chuyên giao kết quả, ghi đề và tư vấn những con số cho người dân. Nếu đoán đúng số, cậu sẽ được thưởng tiền, còn ngược lại sẽ bị chửi rủa, thậm chí đánh đập. Ròm cố tích góp từng đồng bạc cho ước mơ tìm lại cha mẹ, nhưng ngày đó dường như vẫn quá xa vời. Đối thủ của cậu là Phúc (Anh Tú Wilson), anh chàng đang thiếu nợ giang hồ, không từ thủ đoạn để cướp mối ghi đề.

Dù được gán mác là “phim nghệ thuật”, Ròm không hề khó xem hay gây “rối não” về nội dung. Trái lại, tác phẩm giống một phim hành động với hàng loạt các cảnh chạy nhảy, đua tranh gây phấn khích. Với đặc thù công việc, Ròm và Phúc liên tục phải chạy để kịp ghi đề, để cạnh tranh nhau lẫn trốn tránh đám giang hồ. Những cảnh hành động theo phong cách parkour dễ thu hút khán giả từ đầu đến cuối phim, nhất là khi nó được đặt trong những bối cảnh thực như khu chợ, đường phố hay trên nóc nhà. Lối cắt dựng của đạo diễn khiến nhịp phim dồn dập và kịch  tính, nơi sự hơn thua giữa các nhân vật chỉ trong khoảnh khắc.

Để đóng những cảnh này, Anh Khoa phải trải qua quá trình tập luyện thể chất khắc nghiệt, còn Anh Tú Wilson vốn tập võ thuật và parkour trong nhiều năm. Họ đã tự mình thực hiện các trích đoạn khó như đối đầu giữa dòng xe trên đường phố hay đánh nhau dưới bùn. Ở cảnh quay chiến đấu dữ dội nhất phim, màn trình diễn của hai diễn viên đã khắc họa trọn vẹn sự khắc nghiệt của cuộc sống đường phố.

Hành trình của cậu bé bụi đời dễ chạm đến trái tim khán giả nhờ những khoảnh khắc sâu lắng về phận đời. Ròm bị bố mẹ bỏ rơi từ bé, trải qua nhiều năm tháng đấu tranh, kiếm miếng ăn trên đường phố. Dù chỉ kiếm được chút ít mỗi ngày, cậu vẫn luôn nuôi hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn. Kịch bản đã khéo xây dựng mối quan hệ nửa bạn nửa thù giữa Ròm và Phúc. Ở bề mặt, họ là những kẻ địch trong cuộc chiến ghi đề mỗi ngày, thậm chí từng giao chiến tàn nhẫn. Nhưng từ sâu thâm tâm, đôi trẻ vẫn xem nhau là bạn do số phận cùng khổ của những người ở dưới đáy xã hội. Phân cảnh Ròm và Phúc thân thiết trong đêm có thể sẽ khiến không ít người xem rơi nước mắt do lối diễn chân thật của hai diễn viên.

Ròm khắc họa một thế giới của những người lao động đặt trọn niềm tin vào số đề, mặc cho bao nhiêu người tán gia bại sản. Thay vì cố làm việc đổi đời, họ ngày đêm suy nghĩ, mơ mộng, thậm chí cúng bái và lên đồng để dự đoán những con số. Tác phẩm mang đậm tiếng cười trào phúng ở loạt cảnh những người như ông Khắc (Mai Trần) hay đôi vợ chồng (Mai Thế Hiệp và Thanh Tú) mê muội với những con số. Bi kịch của những người dân đến từ cái nghèo, thiếu giáo dục cũng như hoàn cảnh đẩy đưa. Nếu trong Parasite, người nghèo cố vươn lên bằng sự lanh trí, thủ đoạn, thì trong Ròm, họ cam chịu và tự giam mình trong cái vòng luẩn quẩn của những con số.

Ròm không mắc lỗi kể chuyện sến súa hay tuyên ngôn quá đà giống nhiều tác phẩm khác về người lao động. Thay vào đó, phim chỉ nêu ra các mảnh đời và để khán giả tự rút ra thông điệp. Ê-kíp đã khéo sửa sang một khu nhà để ghi hình, tạo ra những thước phim chân thực. Với góc quay nghiêng phản ánh phận đời bấp bênh, phim phô diễn nhiều phân đoạn giàu thẩm mỹ, như khi Ròm ngồi vắt vẻo giữa hai tòa nhà hay cảnh nhóm người dân tụ hợp đàn ca. Sự thăng hoa trong điện ảnh của Thanh Huy được thể hiện qua nhiều dàn cảnh độc đáo cùng lối chuyển cảnh và giữ nhịp rất tốt. Trong tác phẩm đầu tay, nhà làm phim trẻ đã pha trộn thành công nhiều thể loại như hành động, tâm lý, hài, thậm chí cả kinh dị vào một câu chuyện đầy tính phê phán xã hội.

Trần Anh Khoa và Anh Tú Wilson đồng hành cùng dự án trong thời gian dài nên gần như đã nhập tâm vào nhân vật. Họ đều có khuôn mặt đậm chất điện ảnh và phù hợp với mẫu nhân vật bụi đời. Với những cử động ngẫu hứng và khuôn mặt giàu biểu cảm, Anh Khoa hóa thân trọn vẹn chàng Ròm trải qua nhiều bi kịch. Còn Anh Tú Wilson gây ấn tượng bởi gương mặt lanh lợi, hơi đểu, cùng nhiều cú nhảy đẹp mắt trong phim.

Một sự góp mặt được nhiều khán giả quan tâm là Wowy - rapper “chúa hề” đang gây sốt gần đây với chương trình Rap Việt. Khác với hình ảnh hài hước trong gameshow, anh hóa thân kẻ phản diện với tính cách độc ác, xảo quyệt. Lối thoại chậm và tạo hình ngầu đời giúp Wowy hoàn thành vai diễn. Ngoài ra, Wowy còn là người thể hiện bài hát chủ đề của phim - Chạy. Cũng không thể bỏ qua lời khen cho Cát Phượng - diễn viên rất có duyên với vai phụ nữ nghèo. Trong thế giới khắc nghiệt của Ròm, nhân vật của chị nổi lên như một ốc đảo để cậu bé nghỉ ngơi và nuôi hy vọng. Nhưng cũng chính vì thế, diễn biến cuối phim về nhân vật này càng khiến câu chuyện đớn đau hơn.

Khởi chiếu từ ngày 25/9 với nhãn 18+, Ròm hiện gây sốt các phòng vé với doanh thu hơn 10 tỷ đồng chỉ trong ngày đầu. Có thể nói, đây là một trong những tin vui đối với các nhà làm phim lẫn người hâm mộ. Nếu Ròm thắng lớn, tác phẩm có thể sẽ khích lệ nhiều đơn vị phát hành phim của mình, khiến rạp chiếu sôi động lại như xưa.