Dù nội dung ít ấn tượng sau khi rời rạp, “Cá sấu tử thần” đáp ứng nhu cầu giải trí ở loại phim về hiểm họa từ thú dữ tự nhiên.

Loading...

‘Black Water: Abyss’: Khi chuyến tham quan hang động thành ‘thảm họa’ vì cá sấu

Dù nội dung ít ấn tượng sau khi rời rạp, “Cá sấu tử thần” đáp ứng nhu cầu giải trí ở loại phim về hiểm họa từ thú dữ tự nhiên.

Sau Crawl (Địa đạo cá sấu tử thần) gây chú ý năm ngoái, cá sấu lại tiếp tục được các nhà làm phim đưa lên màn ảnh. Lần này, đạo diễn Andrew Traucki khai thác câu chuyện theo hướng đơn giản hơn, với nhân vật chính là một nhóm người ưa phiêu lưu, gồm Eric (Luke Mitchell), Jen (Jessica McNamee), Viktor (Benjamin Hoetjes), Yolanda (Amali Golden) và Cash (Anthony J. Sharpe). Ở thiên nhiên hoang dã miền bắc nước Úc, họ quyết định khám phá một hang động ít người biết.

Ban đầu, cả nhóm thích thú trước cảnh quan đẹp mắt bên trong hang động hoang sơ. Tuy nhiên, khi một cơn bão ập đến, họ phải ẩn náu dưới lòng đất. Mọi chuyện trở nên tồi tệ khi nước ngập, quang cảnh tối tăm và một hung thần xuất hiện trong làn nước. Giữa lúc mức nước dần lên cao, nhu yếu phẩm dần cạn và mất liên lạc giữa bên ngoài, liệu cả nhóm có thể toàn mạng ra về?

Tác phẩm được xem là phần kế tiếp của Black Water (2007), cũng do Andrew Traucki đạo diễn. Điểm chung của hai phim là bối cảnh nước Úc, nơi thiên nhiên hoang dã và khơi gợi nhiều cảm hứng ở những người du lịch. Lần này, Traucki tiếp tục khai thác nỗi sợ của con người trong hiểm nguy ở những môi trường xa lạ. Phần lớn phim diễn ra trong hang động tối tăm, tạo cảm giác bức bối, bí hiểm về không gian.

Hung thần cá sấu dần lộ diện với cảnh làn nước chuyển động, trước khi được mô tả kỹ về sau. Cách khai thác của đạo diễn khiến phim tạo được sự hồi hộp dần dần bủa vây, trước cao trào ở cuối. Kịch bản cũng khéo đưa ra nhiều tình huống trớ trêu, khiến nhóm bạn phải lội xuống nước chứ không thể ở yên bên rìa hang. Ở những cảnh quay này, kịch tính được đẩy cao khi cá sấu xuất hiện thường khó đoán. Đạo diễn khá hiểu một quy tắc trong phim kinh dị là nỗi sợ đến từ cảm giác bí ẩn, giây phút sắp lâm nguy thậm chí nhiều hơn khi thật sự bị tấn công. Một điểm cộng khác của Black Water: Abyss là việc ê-kíp không lạm dụng jump-scare để gây giật mình nhất thời.

Một cảnh quay ấn tượng nhất của phim là khi hai nhân vật lặn trong làn nước, với nỗi sợ chết đuối lẫn việc không được gây chuyển động nước quá mạnh dẫn đến thu hút cá sấu. Những đúp quay về cá sấu được xử lý khá nhanh, đủ máu me với dòng phim kinh dị nhưng không quá ghê rợn đến mức phản cảm. Cá sấu trong phim này được khai thác theo hướng gần hiện thực, không quá phô trương sức mạnh hay trở thành “siêu quái vật” như một số tác phẩm của Hollywood. Cũng tương tự với các phim khác thuộc thể loại này, khán giả bị cuốn theo các nhân vật và đoán xem ai sẽ sống sót đến cuối.

Cá sấu tử thần quy tụ dàn diễn viên ưa nhìn, trong đó Jessica McNamee từng đóng cùng Jason Statham trong phim cá mập The Meg (2018), còn nam chính Luke Mitchell từng gây chú ý với series The Code. Ngoài việc diễn bơi lội, chạy trốn, các diễn viên cũng đóng khá tròn về tâm lý, khi nửa sau phim dần hé lộ mâu thuẫn cá nhân của họ. Dưới áp lực của sinh tồn, cả nhóm còn phải giải quyết những rạn nứt ngầm trong tình bạn và cá tính của họ.

Với những khán giả khó tính, quy luật hoạt động của cá sấu trong phim có thể chưa làm họ hài lòng. Ban đầu, nó được mô tả là bị thu hút bởi tiếng tóe nước, nhưng ở vài cảnh lại có thể tấn công như đã nhìn rõ con mồi, thậm chí lao mình khỏi mặt nước. Tình tiết cuối phim cũng còn hơi gượng và chưa đạt độ phấn khích cao như trong Crawl hay The Shallows.

Phim dài 98 phút, khởi chiếu tại các cụm rạp CGV với tựa Cá sấu tử thần và nhãn 18+.